Triệu người Đà Nẵng lo nguồn rau không an toàn

Việc ngành nông nghiệp địa phương hiện chỉ đáp ứng được 6% nhu cầu rau, củ, quả toàn TP nên người dân lẫn chính quyền Đà Nẵng đang hết sức lo lắng về nguồn gốc thực phẩm nhập từ các nơi khác về.

Năm 2015, khoảng 1 triệu người dân trên địa bàn Đà Nẵng đã tiêu dùng 140.000 tấn rau, củ, quả; trong đó sản xuất tại chỗ chỉ khoảng 9.000 tấn, số còn lại gồm 56.000 tấn rau và 76.000 tấn quả phải nhập từ nơi khác. Cụ thể, ngoài 6 tỉnh, thành thường xuyên cung cấp rau, quả cho TP, gồm Đà Lạt, Gia Lai, Hà Nội, Quảng Nam, Tiền Giang và Nghệ An, năm 2015 Đà Nẵng nhập khẩu 2.250 tấn rau (chiếm 3,6%) và 25.000 tấn quả (11%) từ Trung Quốc. Sở NN-PTNT TP.Đà Nẵng nhận định, nguồn thực phẩm rau, quả cung cấp cho địa phương chủ yếu nhập từ ngoài tỉnh với số lượng rất lớn, do vậy việc kiểm soát an toàn thực phẩm rau, quả là nhiệm vụ hết sức cấp bách nhằm đảm bảo sức khỏe cho nhân dân.

1-2_opt-custom_ftnb
Nguồn rau tại Đà Nẵng chỉ đáp ứng 6% nhu cầu người dân

“Rau nhập trồng bằng cách gì mà rẻ thế ?”
Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó giám đốc Sở NN-PTNT TP.Đà Nẵng, cho biết để cung cấp rau an toàn cho TP, ngành đã quy hoạch, đầu tư 5 vùng chuyên canh rau với quy mô 90 ha. Đến nay, có 3/5 vùng rau được chứng nhận VietGAP gồm: La Hường, Túy Loan và Yến Nê với diện tích sản xuất 14 ha. Tuy nhiên, ông Tám rất băn khoăn trước việc khi rau sạch ra chợ, người dân khó phân biệt được đâu là rau sạch, đâu là rau không rõ nguồn gốc, vì “nếu chỉ dừng lại ở việc đóng bao bì cho các vùng rau đã được chứng nhận an toàn để đưa ra thị trường thì lại rất dễ bị lợi dụng bởi việc làm nhái”. Cũng theo ông Tám, rau, quả tại TP chủ yếu là nhập từ các nơi nên khâu quản lý, truy xuất nguồn gốc đang gặp rất nhiều khó khăn. Bởi hiện việc kiểm định thường mất nhiều thời gian sẽ khiến rau, quả bị hư hỏng hoặc không kịp mang ra chợ tiêu thụ, gây thiệt hại cho người bán.
Ông Trần Văn Hoàng, Chủ nhiệm HTX trồng rau sạch La Hường, cho biết 17 hộ dân quy tụ sản xuất tại HTX trên diện tích khoảng 5 ha đều có đời sống ổn định nhờ thị trường ưa chuộng. Rau, củ từ vựa rau La Hường không chỉ được các thương lái tới thu gom mà còn vào các tiệm bán rau sạch trên địa bàn TP. “Thế nhưng, có thời điểm rau bị dồn ứ buộc phải đem ra chợ thì không thể cạnh tranh lại với rau nhập từ các tỉnh khác về. Bởi nếu rau La Hường bán giá trung bình 10.000 đồng/kg thì rau không rõ nguồn chỉ bán ra với mức 2.000 – 3.000 đồng/kg. Rau nhập được trồng bằng cách gì mà rẻ hơn nhiều lần như thế?”, ông Hoàng đặt câu hỏi và đề nghị ngành chức năng TP triển khai các biện pháp kiểm soát rau, quả không rõ nguồn gốc.

Xây dựng khu chuyên bán rau sạch
Theo Sở NN-PTNT Đà Nẵng, việc kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) đối với nguồn gốc, xuất xứ rau, quả trên thị trường TP chưa thể thực hiện do sản xuất còn nhỏ lẻ cùng hệ thống phân phối qua quá nhiều khâu trung gian mới đến người tiêu dùng cuối cùng. Theo ông Nguyễn Đỗ Tám, để giải quyết những khó khăn này, cần thiết triển khai thí điểm quản lý, kiểm soát chuỗi cung cấp rau sạch trên địa bàn. Song song đó là TP cần xây dựng một khu bán rau sạch riêng để ngành chức năng thuận tiện quản lý và người dân dễ nhận diện. “Các chợ đầu mối nhập rau, củ về cũng cần phải kê khai rõ ràng nguồn gốc, xuất xứ…”, ông Tám nói.
Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp mới đây với ngành chức năng, ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, nhìn nhận địa phương đang rất “khát” rau sạch. Ông Dũng yêu cầu ngành nông nghiệp TP phải đảm bảo nguồn rau sạch vào các siêu thị, chợ… trên cơ sở phát triển vùng rau chuyên canh. “Rau tại chỗ không đủ phải mua chỗ khác nhưng phải xây dựng đề án làm tốt việc mua rau trong Đà Nẵng”, ông Dũng nói. Ngoài ra, TP phải có đề án kiểm soát thực phẩm vào địa phương để qua đó nhận thông tin, phản ánh xử lý thực phẩm bẩn, đồng thời xây dựng đề án quản lý thực phẩm an toàn từ trang trại đến bàn ăn.
Theo tìm hiểu của PV, hiện Sở NN-PTNT TP.Đà Nẵng đang thực hiện dự thảo đề án xây dựng và kiểm soát chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên địa bàn (giai đoạn 2016 – 2020) với kinh phí khoảng 25 tỉ đồng. Dự kiến trong năm 2016, TP sẽ xây dựng 1 – 2 mô hình chuỗi cung cấp sản phẩm rau tại các vùng trồng rau an toàn và thực hiện thí điểm xác nhận 2 – 3 sản phẩm an toàn. Đến năm 2020, tỷ lệ rau, quả đưa về tiêu thụ tại Đà Nẵng được kiểm soát ATTP theo chuỗi đạt 50%. Sở NN-PTNT Đà Nẵng cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT bổ sung Đà Nẵng tham gia thí điểm mô hình kiểm soát chuỗi ATTP liên tỉnh cùng với Hà Nội, TP.HCM (đã triển khai trong năm 2015).

Rau an toàn “thất thế” với rau bẩn
Ông Đào Trọng Thành, Chủ tịch UBND xã Quảng Thành (H.Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế), cho biết toàn xã có 280 hộ sản xuất với diện tích 17,5 ha rau theo quy trình VietGAP; bình quân mỗi ngày cung ứng ra thị trường khoảng 2,5 – 3 tấn rau, nhưng chỉ khoảng 10% vào được các siêu thị tại Huế, còn lại đều bán ra chợ đầu mối. Do vậy, rau an toàn khi ra chợ đôi khi không cạnh tranh nổi với rau không an toàn, bởi hình thức không đẹp bằng. Trong khi đó, tại thị trường Huế vẫn chưa có các chuỗi cửa hàng giới thiệu, bán rau an toàn nên đầu ra của người trồng rau an toàn vẫn gặp khó khăn.
Hiện tại, thông qua dự án Nhịp cầu châu Á Nhật Bản (Bridge Asia Japan – BAJ) tại Huế, một đối tác của Tổ chức JICA, có một cửa hàng chuyên bán rau sạch được trồng bằng phân bón hữu cơ của nông dân Huế tham gia dự án tại địa chỉ số 44 Hai Bà Trưng, TP.Huế. Bên cạnh đó, một số doanh nhân thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Thừa Thiên-Huế cũng đang xúc tiến thành lập công ty cung ứng chuỗi cửa hàng rau an toàn ra thị trường, dự kiến khoảng tháng 5 sẽ đi vào hoạt động.

Bùi Ngọc Long (Báo Thanh Niên)

Rate this post

BÌNH LUẬN